Định cư Mỹ là ước mơ của rất nhiều người, để thực hiện hóa được điều này bạn cần phải làm hồ sơ định cư Mỹ trước. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn di trú, NewOcean IMMI sẽ giải đáp cho bạn toàn bộ quá trình chuẩn bị giấy tờ, thủ tục cũng như các bước khi làm hồ sơ định cư.
I/ Các giấy tờ được yêu cầu khi làm hồ sơ định cư Mỹ
Tùy vào mỗi diện thị thực định cư Mỹ khác nhau thì đương đơn sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ phù hợp. Bạn nên tìm hiểu những giấy tờ cần thiết khi xin visa theo quy định của Sở Di Trú Mỹ:
– Trang Đối Chiếu:
Nếu hồ sơ của bạn được xử lý qua Hệ thống CEAC (Hệ thống Nộp hồ sơ điện tử), người nộp đơn phải in trang đối chiếu trên Website của Lãnh sự quán Mỹ và đánh dấu đầy đủ các mục được yêu cầu trong trang đối chiếu để đảm bảo bạn đã sẵn sàng cho buổi phỏng vấn. Nếu trang đối chiếu của bạn chưa được hoàn tất thì bạn cần đặt lại lịch hẹn phỏng vấn. Bạn nên:
- Giữ lại toàn bộ giấy tờ đã được tải lên hệ thống CEAC.
- Mang tới toàn bộ giấy tờ bản chính/bản sao có chứng thực trùng với những giấy tờ đã tải lên CEAC.
- Hoàn tất tờ thông tin khám sức khỏe được cấp bởi Đơn vị khám sức khỏe do Lãnh sự quán chỉ định.
– Đăng ký địa chỉ:
Đương đơn đăng ký xin thị thực phải tạo tài khoản đăng ký địa chỉ và in Trang xác nhận đăng ký địa chỉ. Bạn phải đem theo giấy này đến phỏng vấn và mỗi lần quay lại Lãnh sự quán sau buổi phỏng vấn. Việc xử lý hồ sơ và chuyển phát thị thực có thể bị trì hoãn nếu đương đơn không nộp giấy xác nhận này. Mỗi người sẽ có số hồ sơ khác nhau nên việc đăng ký địa chỉ cũng sẽ có một tài khoản khác nhau. Tuy nhiên, yêu cầu này không áp dụng cho diện thị thực K, diện tị nạn và diện trẻ lai.
– Bản sao Thư mời phỏng vấn:
Riêng đối với những người xin thị thực định cư (IV) thì đương đơn chính phải bấm Trang xác nhận DS-260 bên dưới Thư mời phỏng vấn.
– In Trang xác nhận khi hoàn tất Đơn DS – 260 đối với thị thực định cư (IV) hoặc đơn DS-160 đối với thị thực không định cư diện K.
– Hình xin thị thực định cư:
Hình xin thị thực phải đúng quy cách và đương đơn cần ghi tên, ngày tháng năm sinh phía sau mỗi tấm hình. Một số quy định của hình ảnh thẻ như sau:
- Ảnh đã chụp trong vòng 6 tháng trước khi nộp hồ sơ.
- Được chụp trên nền trắng.
- Chụp ở chế độ toàn khuôn mặt.
- Kính đeo mắt không được sử dụng trong hình ảnh xin thị thực…
– Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của đương đơn và người đi kèm (nếu có):
Bản chính và bản sao (Công chứng từ cơ quan có thẩm quyền).
– Hộ chiếu:
Bản chính/bản sao (Công chứng từ cơ quan có thẩm quyền). Hộ chiếu còn hiệu lực tối thiểu 60 ngày tính từ ngày thị thực Hoa Kỳ hết hạn.
– Hộ khẩu:
Bản chính/bản sao (Công chứng từ cơ quan có thẩm quyền).
– Giấy khai sinh:
Bản chính/bản sao giấy khai sinh có công chứng của người bảo lãnh, đương đơn chính và tất cả những người đi kèm (ngay cả khi người con đó không đi cùng với đương đơn). Trong trường hợp nếu như không có giấy khai sinh của người bảo lãnh thì Lãnh sự quán sẽ hướng dẫn bạn khi phỏng vấn. Nếu bạn có con nuôi thì phải nộp thêm giấy nhận con nuôi hợp pháp.
– Tờ xác nhận tình trạng hôn nhân:
Nếu bạn đã kết hôn hoặc đã ly hôn, bạn cần:
- Giấy đăng ký kết hôn (bản chính và bản sao).
- Bằng chứng hợp pháp về việc chấm dứt hôn nhân trước đây của người bảo lãnh và của đương đơn. (giấy ly hôn/giấy chứng tử của vợ/chồng đương đơn nếu có).
Nếu như bạn chưa kết hôn thì Lãnh sự quán sẽ không yêu cầu tờ xác nhận này
– Phiếu lý lịch tư pháp số 2:
Đối với người trên 16 tuổi trở lên nộp đơn xin thị thực thì phải có một lý lịch tư pháp số 2 hợp lệ được cấp trong 2 năm bởi Sở tư pháp của tỉnh/thành phố nơi bạn đang sinh sống hoặc nơi cư trú hợp pháp theo Hộ khẩu.
– Phiếu lý lịch tư pháp nước ngoài (nếu có):
- Đối với người xin thị thực diện K thì cần nộp bản chính lý lịch tư pháp được cấp bởi quốc gia cư trú ít nhất 6 tháng kể từ khi đủ 16 tuổi.
- Đối với người xin thị thực định cư cần nộp bản chính lý lịch tư pháp được cấp bởi quốc gia cư trú ít nhất 1 năm kể từ khi đủ 16 tuổi.
– Hồ sơ liên quan đến tiền án/tiền sự (nếu có):
Các đương đơn nếu từng bị kết án phải nộp bản sao có công chứng của mỗi án tích và án tù cho dù đương đơn được hưởng ân xá hay hình thức khoan hồng. Những thông tin về án tích cần đầy đủ chi tiết về việc phạm tội, phán quyết của tòa án, bản án, hình phạt và các hình thức phạt tiền mà người bị kết án buộc phải thi hành.
– Hồ sơ quân đội (nếu có):
Những người đã từng phục vụ trong quân đội ở bất kỳ quốc gia nào đều phải nộp 1 bản sao hồ sơ quân đội của mình.
– Phiếu kiểm tra sức khỏe:
Những người nộp đơn xin thị thực định cư phải khám sức khỏe tại các đơn vị do Lãnh sự quán chỉ định. Kết quả khám sức khỏe sẽ được thông báo từ 3 ngày đến 10 ngày. Nếu trường hợp kéo dài hơn sẽ được gửi thẳng đến Lãnh sự quán. Bác sĩ phụ trách sẽ trao đổi kết quả khám sức khỏe cho bạn và yêu cầu điều trị nếu cần thiết.
– Hồ sơ tài chính:
Đây là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình làm hồ sơ định cư Mỹ.
- Đối với người xin thị thực định cư: Người bảo lãnh và người đồng bảo trợ phải điền mẫu đơn I-864 cho mỗi đương đơn xin thị thực định cư. Trong trường hợp, người bảo lãnh đã nộp đủ hồ sơ bảo trợ lên Trung Tâm Thị Thực Quốc Gia (NVC) thì đương đơn chính sẽ không phải chuẩn bị hồ sơ cho người bảo lãnh nữa.
- Đối với người xin thị thực diện K: Người bảo lãnh điền đầy đủ thông tin vào mẫu đơn I-134 cho đương đơn chính và bản sao nếu có người đi kèm.
– Bằng chứng về mối quan hệ (đương đơn, người đi kèm và người bảo lãnh):
Người nộp đơn chính cần chuẩn bị toàn bộ bằng chứng để chứng minh mình có quan hệ với người bảo lãnh và các thành viên trong gia đình đi cùng (nếu có). Một số bằng chứng cụ thể như: Hình ảnh, thư từ, hóa đơn điện thoại, giấy tờ chứng minh mối quan hệ bố mẹ/con cái, vợ/chồng…
THÔNG BÁO MỚI NHẤT của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP.HCM từ ngày 12/04/2022 sẽ KHÔNG PHỎNG VẤN với những đương đơn xin thị thực định cư không đem TẤT CẢ giấy tờ theo yêu cầu đến phỏng vấn và không tải đầy đủ TẤT CẢ giấy tờ được quy định lên hệ thống CEAC. Đương đơn có trách nhiệm đảm bảo nộp tất cả giấy tờ được yêu cầu tại buổi phỏng vấn, tránh tình trạng phải quay lại Lãnh sự quán nhiều lần.
Đương đơn cần nộp cả bản chính, bản sao cho những giấy tờ liệt kê ở trên và phải được sắp xếp theo thứ tự, Sở Di trú Mỹ sẽ trả lại bản chính sau khi phỏng vấn. Giấy tờ, thủ tục nộp bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh có chứng nhận rõ ràng là “bản dịch chính xác” và “Người dùng đủ năng lực dịch thuật”. Nếu bạn không nộp đủ tất cả giấy tờ được yêu cầu cho buổi phỏng vấn, hồ sơ của bạn có thể bị từ chối hoặc trì hoãn.
II/ Cách kiểm tra hồ sơ định cư Mỹ
Kiểm tra hồ sơ định cư Mỹ rất đơn giản nếu như bạn làm theo hướng dẫn trên Website của Sở Di trú Mỹ.
1. Theo dõi hồ sơ định cư Mỹ bằng Receipt Number
Receipt Number là số biên nhận hồ sơ gồm có 10 ký tự do Sở Di trú Mỹ cấp cho người nộp đơn ở tất cả các diện để theo dõi hỗ sơ định cư Mỹ của mình. Mỗi hồ sơ sẽ được cấp một biên nhận hồ sơ I-797C khác nhau. Ví dụ Receipt Number có dạng như: SRC18 016 23912. Trong đó:
- 3 chữ cái đầu tiên đại diện cho các trung tâm tiếp nhận hồ sơ của Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS).
- 18 (2018) là đại diện cho năm tiếp nhận hồ sơ. Mỹ sử dụng năm tài chính từ 01/10 đến 30/09 năm sau.
- 016 là đại diện cho số ngày làm việc của năm tài chính Mỹ. 001 là ngày làm ngày tiên 01/10 và 016 chính là ngày làm việc thứ 16 của năm tài chính đó.
- 23912 là số thứ tự hồ sơ nhận được tại thời điểm đương đơn nộp đơn.
2. Cách đọc kết quả check hồ sơ định cư Mỹ
Người nộp đơn có thể check hồ sơ định cư Mỹ của mình qua những bước sau:
– Bước 1: Truy cập vào Link https://egov.uscis.gov/casestatus/landing.do
– Bước 2: Nhập 10 ký tự (Receipt Number) được Sở di trú quy định.
– Bước 3: Nhận thông tin và kiểm tra kết quả hồ sơ định cư Mỹ với những thông số dưới đây:
- Case Was Received: Hồ sơ đã nhận.
- Case Was Approved: Hồ sơ chấp thuận.
- Case Was Received At My Local Office: Nhận tại Văn phòng Sở Di trú địa phương.
- Response To USCIS’ Request For Evidence Was Received: Phản hồi yêu cầu của Sở Di Trú đã được nhận.
- Case Was Sent To The Department of State: Đã đến Bộ Ngoại giao.
- Department of State Sent Case to USCIS For Review: Bộ Ngoại giao gửi hồ sơ cho Sở Di Trú.
- Revocation Notice Was Sent: Thông báo thu hồi đã gửi.
- New Card Is Being Produced: Thẻ xanh đang được cấp.
- …
3. Tra cứu khung thời gian xử lý hồ sơ định cư Mỹ của USCIS
Kiểm tra khung thời gian để bạn biết được hồ sơ định cư của mình đã được xử lý hay chưa. Việc tra cứu hồ sơ định cư Mỹ này có thể thực hiện trước hoặc cùng lúc với tra cứu Receipt Number. Quy trình như sau:
– Bước 1: Truy cập link https://egov.uscis.gov/processing-times/
– Bước 2:
- Tạo khung Form, chọn đơn bạn đã đăng ký xin thị thực.
- Tại khung Field Office or Service Center chọn văn phòng Sở Di trú Mỹ xử lý hồ sơ.
– Bước 3: Nhấn Get processing time để nhận kết quả tra cứu.
III/ Quy trình xử lý hồ sơ xin định cư Mỹ
Hồ sơ xin định cư phải trải qua rất nhiều giai đoạn phức tạp mới nhận được thị thực thành công. NewOcean IMMI xin chia sẻ 6 bước dưới đây để bạn dễ dàng có thể nhận được visa định cư Mỹ nhanh chóng:
1. Nộp đơn lên USCIS
Bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất để xin visa định cư Mỹ đó là nộp đơn lên Sở Di trú Mỹ. Bạn phải yêu cầu người bảo lãnh ở Mỹ mở hồ sơ bảo lãnh cho bạn cùng với người thân đi kèm (nếu có). Nếu như bạn không có người bảo lãnh ở Mỹ thì Lãnh sự quán sẽ hướng dẫn đương đơn làm thủ tục cần thiết.
2. Trung tâm Chiếu kháng Quốc gia (NVC) chuẩn bị hồ sơ
Sau khi Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ chấp nhận hồ sơ bảo lãnh thì thông báo sẽ được gửi về cho người bảo lãnh gồm thông báo chấp thuận và mẫu đơn I-797. Sở Di trú Mỹ cũng gửi một bản đến Trung tâm Chiếu kháng Quốc gia (NVC) thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để tiếp tục quá trình xử lý hồ sơ. Trung tâm cũng sẽ gửi trực tiếp hồ sơ hướng dẫn đến cho đương đơn hoặc người đại diện hợp pháp của đương đơn.
Ở bước này, NVC sẽ kiểm tra hồ sơ về giấy cam kết bảo trợ tài chính theo mẫu đơn I-864 của người bảo lãnh/người đồng bảo trợ và thực hiện thu các khoản lệ phí theo quy định của nước Mỹ.
3. Chuyển hồ sơ về Đại Sứ Quán
Hồ sơ của bạn được chuyển về Đại sứ quán để hoàn thành các thủ tục còn lại. Sẽ có thông báo gửi tới cho đương đơn hoặc người bảo lãnh.
4. Lên lịch phỏng vấn visa
Trung tâm Chiếu Kháng Quốc gia (NVC) sẽ lên lịch phỏng vấn cho bạn. Trung bình quá trình này sẽ mất khoảng 3 tháng kể từ khi NVC nhận được hồ sơ của bạn. Tuy nhiên, đối với các hồ sơ định cư Mỹ diện F, khi nào đến lượt thì mới được sắp xếp lịch phỏng vấn.
5. Kiểm tra sức khỏe và hoàn tất thủ tục
Tất cả những người xin thị thực định cư Mỹ đều phải trải qua cuộc kiểm tra sức khỏe do Lãnh sự quán Mỹ chỉ định. Việc này được diễn ra ít nhất 2 tuần trước ngày phỏng vấn. Đương đơn sẽ biết được chi tiết thời gian kiểm tra sức khỏe và các thủ tục giấy tờ cho buổi phỏng vấn sắp tới do Lãnh sự quán gửi qua đường bưu điện.
6. Đến phỏng vấn tại Đại Sứ Quán
Phỏng vấn là một trong những bước quan trọng trong quá trình xin visa định cư Mỹ. Quyết định nhận visa thành công hay không phụ thuộc hầu hết vào giai đoạn này. Đương đơn đến lãnh sự quán Hoa Kỳ để phỏng vấn theo đúng thời gian được thông báo. Trong buổi phỏng vấn sẽ chỉ có nhân viên lãnh sự và đương đơn. Mọi câu hỏi phỏng vấn đều bằng tiếng Anh và trong trường hợp đương đơn không hiểu thì sẽ có nhân viên bản xứ biên dịch giúp bạn.
Nếu kết quả phỏng vấn tốt và người nộp đơn xin thị thực đạt mọi điều kiện định cư thì hộ chiếu sẽ được cấp tại buổi phỏng vấn. Bạn sẽ được nhân viên lãnh sự tư vấn và hướng dẫn về quy định cũng như thủ tục định cư Mỹ.
IV/ Chi phí xin visa định cư Mỹ hết bao nhiêu tiền?
Tổng chi phí xin visa định cư Mỹ từ 1,500 USD – 2,000 USD tùy vào diện thị thực xin định cư. Một số khoản phí khi xin visa bao gồm:
- Người bảo lãnh cần mở hồ sơ và nộp đơn I-130 cho Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS), phí nộp đơn là I-130 là 535 USD.
- Thu phí xử lý thị thực nhập cư DS-260: 325 USD/người.
- Phí đơn bảo trợ tài chính I-864: 120 USD
- Phí khám sức khỏe: Tùy vào từng trường hợp thì chi phí khám sức khỏe sẽ khác nhau, bạn có thể được đề nghị tiêm phòng vaccine nếu cần. Phí khám cho người lớn từ 15 tuổi trở lên là 240 USD/người. Đối với trẻ em từ 2 tuổi – dưới 15 tuổi là 210 USD và 145 USD/người đối với trẻ em dưới 2 tuổi.
- Phí cấp thẻ xanh Mỹ: 220 USD/người.
- Chi phí làm sinh trắc học: 85 USD/người.
- Đối với những đương đơn xin thị thực định cư diện L1/H1-B hoặc EB-5 thì phí xin thị thực sẽ lớn hơn rất nhiều từ 500 USD đến 1,500 USD.
Ngoài những khoản phí này, người đứng đơn chính còn phải đóng các khoản chi phí định cư Mỹ như phí dịch thuật, phí công chứng…
Bài viết trên đây đã tổng hợp đầy đủ những kinh nghiệm khi làm hồ sơ định cư Mỹ. Xin thị thực Mỹ không khó nếu như bạn làm đúng quy trình của Sở Di trú. Để hiểu thêm, quý khách hàng vui lòng liên hệ công ty tư vấn định cư NewOcean IMMI để được hỗ trợ miễn phí.