Úc hiện đang được biết đến là quốc gia phát triển toàn diện, cả về kinh tế, văn hóa, y tế và giáo dục. Vậy nên định cư Úc là mong muốn và lựa chọn của nhiều người Việt Nam. Theo các số liệu thống kê của IOM – Tổ chức Di cư quốc tế, Úc hiện đứng thứ 2 về số lượng người Việt Nam nhập cư. Vậy cuộc sống ở Úc như thế nào, có những ưu điểm và hạn chế gì? Hãy cùng NewOcean IMMI giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây.
I/ Tìm hiểu cuộc sống ở Úc
Úc là một đất nước tuyệt vời để định cư lâu dài với khí hậu ôn hòa, dễ chịu, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, kinh tế phát triển vượt bậc, giáo dục chất lượng, an sinh xã hội tốt, đời sống người dân ấm no.
1. Thời tiết và khí hậu ở Úc
Nước Úc có khí hậu 4 mùa tương đồng với miền Bắc Việt Nam, nhưng các mùa sẽ trái ngược, mùa đông bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9, mùa hè từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 2. Nhìn chung, Úc có kiểu thời tiết ôn hòa, dễ chịu, không quá nóng cũng không quá lạnh. Nhiệt độ trung bình ổn định trong khoảng 15 – 26 độ C.
Tuy nhiên, vì lãnh thổ rộng lớn nên tùy từng khu vực mà thời tiết có sự khác biệt. Mùa đông ở Nam Úc lạnh hơn còn mùa hè ở Bắc Úc khí hậu ấm áp và ẩm ướt hơn. Đặc biệt, vùng hoang mạc trung tâm nước Úc, nơi gần như không có người dân sinh sống, điều kiện thời tiết tương đối khắc nghiệt. Những ngày nóng kỷ lục, nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C, mùa đông có lúc xuống dưới 0 độ C.
2. Lệch múi giờ giữa Úc và Việt Nam
Chênh lệch múi giờ giữa Úc và Việt Nam không quá lớn. Việt Nam nằm ở múi giờ UTC + 7, còn Úc vì lãnh thổ rộng lớn nên có 3 múi giờ khác nhau là UTC + 8, UTC + 9:30 và UTC + 10. Vậy là giữa Việt Nam và Úc chênh lệch từ 1 đến 3 giờ tùy vào từng khu vực. Ví dụ nếu như ở Việt Nam đang là 7 giờ sáng thì ở Tây Úc là 8 giờ sáng, vùng Trung tâm nước Úc là 9h30 sáng và ở Đông Úc sẽ là 10 giờ sáng.
Ngoài ra, sự chênh lệch múi giờ giữa Úc và Việt Nam sẽ thay đổi theo mùa. Vào mùa hè, múi giờ ở một số khu vực của Úc sẽ tăng lên 1 giờ do áp dụng thời gian mùa hè, nhưng không phải toàn bộ lãnh thổ nước Úc, cụ thể:
- Các bang Tây Úc, Queensland, Lãnh thổ phía Bắc KHÔNG áp dụng giờ mùa hè.
- Nam Úc và thị trấn Broken Hill chỉnh múi giờ từ UTC + 9:30 sang UTC + 10:30.
- Bang New South Wales, Victoria, Tasmania và các khu vực còn lại cộng thêm 1 tiếng theo quy định giờ mùa hè. Thời điểm chỉnh giờ là 2 giờ sáng ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 10 và quay về giờ cũ vào 3 giờ sáng ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 4 năm tiếp theo.
3. Cuộc sống ở Úc với mật độ dân số thấp
Diện tích nước Úc là 7.688.287 km2, đứng thứ 6 thế giới và dân số ghi nhận thời điểm T6/2022 là hơn 26 triệu người. Mật độ dân cư nước Úc hiện là 3 người/km2, con số này đã được duy trì trong nhiều năm nay.
Mật độ dân số thưa thớt, tuy nhiên sự phân bố dân cư ở Úc không đồng đều, phần lớn người dân sinh sống tại các bang ven biển như New South Wales, Victoria, Queensland, Tây Úc (dân số bang New South Wales là hơn 7,6 triệu người). Chính vì điều này, Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu tiên định cư Úc ở các khu vực thưa dân.
4. Kinh tế và văn hóa xã hội tại Úc
– Về kinh tế:
Úc là quốc gia có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, lớn thứ 4 trong khu vực châu Á và lớn thứ 12 trên thế giới. Năm 2018, quốc gia này ghi nhận sự tặng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong Quý II, GDP bình quân đầu người trong năm đạt 74.000 AUD.
– Về văn hóa Úc:
Úc là quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc do tỷ lệ người nhập cư cao. Nền văn hóa đa dạng được thể hiện rõ qua ẩm thực, tôn giáo và các lễ hội thường niên.
- Ẩm thực: Khắp nơi ở Úc đều có các nhà hàng phục vụ đồ ăn Á, Âu, Phi, Trung Đông và cả những món ăn đặc trưng của người bản xứ.
- Lễ hội: Hàng năm, người dân tổ chức nhiều sự kiện văn hóa truyền thống cùng các lễ hội đầy màu sắc có nguồn gốc từ Brazil, Nam Mỹ, Italia, Trung Quốc, Việt Nam…
- Tôn giáo: Úc là đất nước tự do tôn giáo, hơn 30% người dân không theo đạo.
– Về xã hội:
Ở Úc, người dân cư xử thoải mái, chan hòa, và mặc dù là quốc gia có tỷ lệ người nhập cư cao nhưng không hề có nạn phân biệt chủng tộc.
5. Hệ thống cơ sở hạ tầng
Nền kinh tế phát triển vượt bậc, tăng trưởng ổn định, bền vững, vì thế nên điều kiện cơ sở hạ tầng tại Úc cũng đầy đủ và tiện nghi. Hệ thống giao thông thông minh, hiện đại; mạng lưới đường sắt, tàu điện ngầm, giao thông công cộng có mặt khắp nơi; nhiều cảng tàu và sân bay quốc tế lớn… Việc di chuyển trong và ngoài nước Úc nhờ vậy nên vô cùng thuận tiện, dễ dàng.
Ngoài ra, Chính phủ Úc rất quan tâm đến đời sống của người dân, chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng các bệnh viện, trường học, khu vui chơi… Có lẽ vì thế Úc được bình chọn là một trong những quốc gia đáng sống nhất trên thế giới, điểm đến lý tưởng để du học và định cư.
6. Hệ thống giáo dục
Nhắc đến nền giáo dục của Úc là nhắc đến:
- Chương trình giảng dạy chất lượng.
- Bằng cấp được quốc tế công nhận.
- Cơ sở vật chất hiện đại.
- Hệ thống trường Đại học danh tiếng, 7 trong số đó thuộc TOP 100 trường Đại học hàng đầu thế giới.
- Đa dạng ngành nghề đào tạo, hơn 22.000 khóa học từ hệ dự bị, chứng chỉ, cử nhân đến bậc sau đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Hệ thống giáo dục Úc bao gồm bậc Tiểu học, Trung học, Giáo dục hệ Cao đẳng và Đại học.
– Đào tạo phổ thông (gồm bậc Tiểu học và Trung học): Trẻ từ 6 – 18 tuổi (Lớp 1 đến lớp 12):
- Tiểu học: Lớp 1 đến lớp 6 hoặc lớp 7.
- Trung học cơ sở: Lớp 7 đến lớp 10 hoặc lớp 8 đến lớp 10.
- Trung học phổ thông: Lớp 11 và lớp 12.
– Giáo dục hệ Cao đẳng và Đại học: Sinh viên theo học tại các trường Cao đẳng, Đại học hoặc các chương trình đào tạo nghề (VET).
7. An ninh xã hội
Úc là quốc gia đứng đầu thế giới về an sinh xã hội, chú trọng quan tâm đến đời sống của người dân. Chính phủ ban hành nhiều chính sách phúc lợi như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp người có thu nhập thấp, người nghèo, hỗ trợ sinh viên, người khuyết tật, người cao tuổi… Đặc biệt người thất nghiệp ở Úc sẽ nhận trợ cấp đến khi tìm được việc làm (ở Mỹ thời gian trợ cấp chỉ từ 3 đến 6 tháng).
Ngoài ra, y tế cũng là một trong những lĩnh vực được chú trọng đầu tư với cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị tối tân, hiện đại nhất. 100% người dân tham gia chương trình bảo hiểm y tế Medicare, được chi trả toàn bộ tiền viện phí, khám chữa bệnh, miễn giảm chi phí thuốc men tại các bệnh viện công.
Trẻ em dưới 18 tuổi được miễn học phí tại các trường công lập đến hết bậc THPT.
Về an ninh quốc phòng, Úc nhiều năm liền nằm trong top 20 quốc gia an toàn nhất thế giới, dựa trên các tiêu chí: tỷ lệ tội phạm, tấn công khủng bố, xuất nhập khẩu vũ khí, tỷ lệ người bị bắt giam, tham những, chính trị ổn định.
8. Thu nhập bình quân đầu người
Từ ngày 01.07.2022, mức lương tối thiểu của Úc tăng lên 21,38 AUD/giờ, cao hơn ở nhiều quốc gia phát triển khác. Theo số liệu Quý II năm 2020 của Cục Thống kê, thu nhập toàn thời gian trung bình ở Úc là khoảng 89.122 AUD/năm, nếu tính cả làm thêm giờ và tiền thưởng, con số sẽ lên đến 92.102 AUD/năm.
Tuy nhiên, có sự chênh lệch giữa mức lương trung bình ở các bang và các thành phố lớn. Cụ thể, Lãnh thổ Thủ đô ghi nhận thu nhập trung bình trong năm 2020 cao nhất cả nước (99.164 AUD/năm), trong khi ở bang Tasmania con số này chỉ là 79.846 AUD/năm. Ở các thành phố, thủ phủ bang, thu nhập trung bình năm sẽ dao động trong khoảng 85.232 AUD (ở Gold Coast) đến 106.930 AUD (ở Perth).
Mức lương trung bình năm 2021 của những ngành nghề được ưu tiên định cư tại Úc:
- Khai thác mỏ: 140.176 AUD/năm.
- Chế tạo, sản xuất: 76.024 AUD/năm.
- Các ngành dịch vụ về điện, khí đốt, nước và chất thải: 105.664 AUD/năm.
- Xây dựng: 85.311 AUD/năm.
- Bán buôn: 75.613 AUD/năm.
- Bán lẻ: 41.959 AUD/năm.
- Dịch vụ lưu trú và ẩm thực: 33.488 AUD/năm.
- Vận tải, bưu chính, kho bãi: 82.836 AUD/năm.
- Truyền thông, viễn thông: 94.453 AUD/năm.
- Tài chính, bảo hiểm: 96.647 AUD/năm.
- Cho thuê bất động sản: 71.594 AUD/năm.
- Khoa học, kỹ thuật: 90.886 AUD/năm.
- Hành chính, các dịch vụ hỗ trợ: 59.670 AUD/năm.
- Hành chính công: 90.345 AUD/năm.
- Giáo dục đào tạo: 69.233 AUD/năm.
- Chăm sóc sức khỏe, công tác xã hội: 62.093 AUD/năm.
- Nghệ thuật: 42.172 AUD/năm.
- Các dịch vụ khác: 52.265 AUD/năm.
9. Thuế phí ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống ở Úc
Mức thuế ở Úc do Chính phủ Liên bang ban hành. Thu nhập chịu thuế tối thiểu là 18.201 AUD/năm với thuế suất dao động từ 19 – 45%.
Thu nhập chịu thuế (AUD/năm) | Thuế suất |
---|---|
0 - 18.200 | Miễn thuế |
18.201 - 45.000 | 19% khoản tiền vượt 18.200 AUD |
45.001 - 120.000 | 5.092 AUD + 32,5% khoản tiền vượt 45.000 AUD |
120.001 - 180.000 | 29.467 AUD + 37% khoản tiền vượt 120.000 AUD |
Từ 180.001 trờ lên | 51.667 AUD + 45% khoản tiền vượt 180.000 AUD |
Lưu ý: Mức thuế trên chưa bao gồm phí bảo hiểm y tế Medicare 2%.
(Nguồn: Sở Thuế vụ Úc)
Giống như ở Việt Nam, mức thuế tại Úc theo cấu trúc phân tầng, thu nhập càng cao thì tiền thuế phải đóng là càng lớn. Ngoài ra, mức thuế ở bảng trên chỉ áp dụng cho cư dân thuế Úc. Nếu quý khách hàng giữ visa 188 và đã cư trú tại Úc tối thiểu 183 ngày/năm tài chính (từ 01/07 đến hết 30/06 năm tiếp theo) thì sẽ được coi là cư dân thuế. Còn nếu không phải cư dân thuế Úc, mức thuế thu nhập cá nhân các bạn phải đóng sẽ là:
Thu nhập chịu thuế (AUD/năm) | Thuế suất |
---|---|
0 - 120.000 | 32,5% |
120.001 - 180.000 | 39.000 AUD + 37% khoản tiền vượt 120.000 AUD |
Từ 180.001 trở lên | 61.200 AUD + 45% khoản tiền vượt 180.000 AUD |
Ngoài ra, quý khách hàng mua bất động sản tại Úc sẽ phải đóng thuế bất động sản (trừ khu vực Lãnh thổ phía Bắc). Các chủ doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, 25% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, 30% đối với doanh nghiệp lớn.
10. Cuộc sống ở Úc cùng những phúc lợi y tế
Úc là một trong những quốc gia có các chế độ phúc lợi xã hội tốt nhất thế giới. Công dân và thường trú nhân Úc sẽ được nhận các trợ cấp cho người già, trẻ em, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người sinh nhiều con, người thất nghiệp, người vô gia cư, người thu nhập thấp…
Về y tế, Chính phủ Úc cung cấp hai gói trợ cấp cơ bản là Medicare và Pharmaceutical Benefits.
Quyền lợi gói Medicare:
- Miễn phí khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện công.
- Hỗ trợ chi trả 85% phí dịch vụ tại các bệnh viện tư.
- Thông qua gói Pharmaceutical Benefits, miễn hoặc giảm chi phí thuốc men.
Quyền lợi gói Pharmaceutical Benefits:
- Trợ giá gần 75% các loại thuốc kê trong đơn.
Ngoài 2 gói trợ cấp kể trên, người dân có thể tham gia vào các chương trình bảo hiểm y tế tư nhân (chi trả một số dịch vụ không bao gồm trong gói Medicare) hay bảo hiểm y tế trọn đời của Chính phủ liên bang.
Đối với những người đến Úc theo diện visa tạm trú hoặc visa ngắn hạn, Chính phủ Úc sẽ yêu cầu tham gia các loại hình bảo hiểm y tế bắt buộc:
- OSHC (Overseas Students Health Cover): Bảo hiểm y tế dành cho du học sinh (những người giữ Student visa).
- OVHC (Overseas Visitor Health Cover): Bảo hiểm y tế dành cho đối tượng đến Úc với mục đích du lịch, thăm thân, làm việc ngắn hạn hoặc dài hạn, giám hộ, du học hè… (những người giữ Working visa, Visitor visa, Working Holiday visa và Bridging visa).
II/ Thuận lợi và hạn chế khi chọn cuộc sống ở nước Úc
Úc là quốc gia phát triển toàn diện, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, cuộc sống ở Úc vẫn có những ưu điểm và hạn chế nhất định.
1. Những ưu điểm khi sống tại Úc
Ưu điểm đầu tiên khi sinh sống tại Úc đó là người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến cùng chương trình bảo hiểm y tế Medicare, miễn giảm chi phí thuốc men, khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, con cái các bạn sẽ học tập trong môi trường giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới và hưởng các chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ vay vốn.
Thu nhập trung bình năm tương đối cao (khoảng hơn 90.000 AUD/năm). Cộng thêm các chương trình trợ cấp lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ gia đình đông con… cũng là lý do Úc trở thành điểm đến lý tưởng để du học và định cư.
Đối với ai yêu thiên nhiên, yêu động vật thì Úc thật sự là thiên đường với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, biển xanh cát trắng, những khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ và nhiều loài động vật quý hiếm như chuột túi, gấu túi koala, đà điểu Emu…
Ngoài ra, nước Úc còn nổi tiếng với các thành phố như Sydney, Melbourne, Perth, nhiều năm liền được bình chọn trong top những thành phố đáng sống nhất thế giới.
2. Những mặt hạn chế với cuộc sống ở Úc
Quốc gia phát triển thịnh vượng đi kèm với đó là mức sống của người dân tương đối cao, chi phí giá thành đắt đỏ, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Sydney, Melbourne hay Brisbane. Chi phí sinh hoạt ở Úc hàng tháng của một người trưởng thành trung bình sẽ khoảng 1.000 AUD chưa kể tiền thuê nhà.
Đất nước có diện tích rộng lớn với mật độ dân cư thưa thớt. Vì vậy đi lại giữa các thành phố tốn nhiều thời gian. Chưa kể đến có những vùng biệt lập gần như không có người ở, điều kiện thời tiết ở đây cũng tương đối khắc nghiệt.
III/ Những lưu ý để cuộc sống ở Úc thuận lợi
Nếu có ý định sinh sống tại Úc, quý khách hàng cần lưu ý những điều dưới đây:
1. Lưu số điện thoại khẩn cấp
Tại Úc, 000 (Triple Zero) là số điện thoại dùng trong trường hợp khẩn cấp cần đến sự trợ giúp của cảnh sát, cứu hỏa hoặc dịch vụ cấp cứu. Khi gọi 000, nếu tiếng Anh không tốt, người gọi sẽ được kết nối trực tiếp tới Dịch vụ Biên dịch và Phiên dịch (TIS National). Ngoài ra, 2 số điện thoại khẩn cấp khác cần ghi nhớ là:
- Trong trường hợp thiên tai bão lũ: 132 500.
- Cảnh sát hỗ trợ (áp dụng cho tất cả tiểu bang và vùng lãnh thổ ngoại trừ bang Victoria): 131 444.
2. Các ngày nghỉ lễ tại Úc
Ngày lễ | Thời gian | Hoạt động |
---|---|---|
Tết Dương lịch | 01/01 | Bắn pháo hoa, ăn uống, tổ chức thi đua ngựa... |
Quốc khánh Úc | 26/01 | Các buổi lễ kỷ niệm ở khắp nơi, bắn pháo hoa, trình diễn âm nhạc |
Phục sinh | 04 - 06/04 | Lễ hội Sydney Royal Easter, sự kiện Rip Curl Pro |
Anzac Day | 25/04 | Tổ chức các lễ truy điệu, diễu hành, duyệt binh, các buổi sum họp của cựu chiến binh |
Sinh nhật Nữ hoàng | Thứ Hai của tuần thứ 2 tháng 6 (trừ bang Tây Úc) // Thứ Hai cuối cùng của tháng 9 hoặc Thứ Hai đầu tiên của tháng 10 (bang Tây Úc) | Bắn pháo hoa |
Ngày Lao động | 07/03 (bang Tây Úc), 14/03 (bang Victoria và Tasmania), 02/05 (bang Queensland), 03/10 (các bang New South Wales, Nam Úc và Lãnh thổ Thủ đô) | Mọi người dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, dã ngoại cùng gia đình |
Giáng sinh | 25/12 | Hát mừng năm mới, thi đấu thể thao, nhiều sự kiện văn hóa |
Boxing Day | 28/12 | Tổ chức các trận đấu quyền anh |
Lưu ý: Nếu các ngày nghỉ lễ rơi vào cuối tuần, người lao động, học sinh sinh viên sẽ được nghỉ bù vào Thứ Hai của tuần kế tiếp.
3. Danh sách các đại sứ quán chính tại nước Úc
Ngoài ra, quý khách hàng có thể lên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Úc để tìm kiếm thông tin, địa chỉ tất cả các Đại sứ quán, Cao ủy, Lãnh sự quán tại Úc.
4. Danh sách sân bay cần biết
Úc hiện có hơn 600 sân bay đang hoạt động, NewOcean IMMI xin liệt kê 5 sân bay lớn nhất là:
- Sân bay Quốc tế Kingsford Smith – Sydney.
- Sân bay quốc tế Melbourne.
- Sân bay quốc tế Brisbane.
- Sân bay quốc tế Adelaide.
- Sân bay quốc tế Perth.
5. Lưu ý về luật lái xe
Tương tự như ở Việt Nam, khi tham gia giao thông tại Úc, bạn phải tuân thủ các điều sau:
– Luôn mang giấy phép lái xe.
– Tài xế và tất cả các hành khách ngồi trên xe phải cài dây an toàn đầy đủ.
– Lái xe bên trái đường.
– Chú ý khi đi vào vòng xuyến:
- Đi theo chiều kim đồng hồ.
- Nhường đường cho the đang tham gia giao thông ở vòng xuyến (xe tới từ bên phải).
- Xi-nhan khi cần rẽ trái.
– Nồng độ cồn khi tham gia giao thông ở Úc không được vượt quá 0,05%. (Ở Victoria hay New South Wales, những người giữ bằng learner’s permit hay bằng P thì nồng độ cồn luôn ở mức 0).
– Không chạy quá giới hạn tốc độ cho phép. (Chú ý các biển báo chỉ dẫn về giới hạn tốc độ 2 bên đường).
– Không sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe, kể cả nhắn tin.
– Nếu trong xe có trẻ em dưới 18 tuổi thì không được phép hút thuốc.
– Gặp đèn đỏ, chỉ được rẽ trái khi có biển báo cho phép rẽ.
6. Phương tiện công cộng tại Úc
Hệ thống giao thông công cộng tại Úc phát triển. Người dân đi lại, di chuyển trong thành phố hoặc sang các vùng lân cận khá dễ dàng:
- Xe bus (3 AUD/chuyến): 15 phút có một chuyến. Đây là phương tiện giao thông công cộng hiện đại và phổ biến nhất tại Úc.
- Tàu điện Tram (2 AUD): Chủ yếu chạy trong thành phố.
- Taxi (phí mở cửa là 3 AUD, phí di chuyển khoảng 1 AUD/km): Hoạt động 24/24, rất thuận tiện.
- Tàu hỏa (2 AUD): Người dân có thể di chuyển dễ dàng từ thành phố sang các vùng lân cận.
- Xe đạp: Tại các thành phố lớn như Melbourne, Sydney hay Brisbane đều có dịch vụ thuê xe đạp, vừa tiết kiệm lại bảo vệ môi trường.
- Bay nội địa (60 – 300 AUD): Úc có 607 sân bay hiện đang hoạt động.
IV/ Những khó khăn ban đầu với cuộc sống ở Úc như thế nào?
Một số khó khăn người Việt ở Úc thường gặp phải khi lần đầu đặt chân đến đây:
- Rào cản về ngôn ngữ.
- Shock văn hóa.
- Không có người thân, bạn bè, khó hòa nhập hơn.
- Chi phí đắt đỏ, bù lại mức lương tối thiểu ở Úc tương đối cao.
Bài viết này là những thông tin tổng quan nhất về cuộc sống ở Úc, hy vọng sẽ giúp ích được cho kế hoạch định cư Úc trong tương lai của Quý khách hàng. Nếu có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ về thủ tục chuẩn bị hồ sơ visa Úc, xin vui lòng liên hệ đến hotline của NewOcean IMMI để được tư vấn định cư Úc hoàn toàn miễn phí.